Một trong tứ đại bí ẩn của nhà Thanh, hoàng đế Thuận Trị có phải đã chết vì bệnh đậu mùa, hay ông xuất gia làm tăng? Đổng Ngạc phi vì sao có thể trở thành người được Thuận Trị nhất mực sủng ái, nàng là ai?
Một trong tứ đại bí ẩn của nhà Thanh, hoàng đế Thuận Trị có phải đã chết vì bệnh đậu mùa, hay ông xuất gia làm tăng? Đổng Ngạc phi vì sao có thể trở thành người được Thuận Trị nhất mực sủng ái, nàng là ai?
Bạch Cư Dị, một nhà thơ thời nhà Đường, từng viết bài thơ “Hậu cung từ”, câu cuối cùng là: “Khả liên hồng nhan tông bạc mệnh, tối thị vô tình đế vương gia” – Đáng thương thói hồng nhan bạc mệnh, vô tình đích thị đế vương gia. Hậu cung của hoàng đế có ba ngàn mỹ nữ giai nhân, có thể nhất thời chiếm được sự sủng ái của hoàng đế không phải là chuyện dễ dàng, một mình Đổng Ngạc phi trong ba ngàn cung nữ, vì sao nàng có thể được hoàng đế sủng ái, thậm chí còn khiến cho hoàng đế nguyện ý sinh tử tương tùy, sống chết có nhau?
“Thanh sử cảo” ghi lại, rằng sau cái chết của Đổng Ngạc phi, hoàng đế Thuận Trị đã truy phong bà làm hoàng hậu, còn đích thân viết “Hiếu Hiến hoàng hậu hành trang”, chúng ta có thể tìm ra câu trả lời từ đó.
Hoàng đế Thuận Trị viết rằng Đổng Ngạc phi phụng sự thái hậu phi thường tinh tế, siêng năng, chăm sóc bà còn tốt hơn chính Thuận Trị, giúp Thuận Trị có thể ra ngoài xử lý việc nước mà không phải lo lắng ưu tư. Đổng Ngạc phi cũng rất cung kính đối đãi với hoàng đế Thuận Trị. Khi Thuận Trị trở về, Đổng Ngạc phi tất sẽ ra chào đón, thăm hỏi hàn huyên, khi hoàng đế tâm phiền ý loạn, nàng nhất định sẽ nhẹ nhàng an ủi, đích thân chuẩn bị bữa ăn phục vụ. Khi dùng bữa, Thuận Trị luôn mời nàng cùng ăn, nhưng nàng luôn tạ từ. Trước khi Thuận Trị tham gia khánh điển, nàng nhất định sẽ dặn dò những người hầu cận nhắn nhủ hoàng đế uống ít rượu hơn. Nếu Thuận Trị say rượu trở về, nàng nhất định sẽ chăm sóc ông thật tốt, đợi đến khi hoàng đế Thuận Trị giải rượu rồi mới trở về cung nghỉ ngơi.
Khi thấy Thuận Trị đọc tấu triệp vội vàng không cẩn thận, Đổng Ngạc phi sẽ nhắc nhở ông nên đọc kỹ lưỡng, không nên vội vàng. Nàng cũng thường khuyên nhủ hoàng đế phải thận trọng công bằng trong giải án, nhờ điều này mà một số phạm nhân đã được tha. Và khi hoàng đế Thuận Trị yêu cầu nàng cùng đọc tấu triệp, nàng nhanh chóng tạ từ và nói: “Hậu cung không can thiệp vào chính trị”. Khi hoàng đế Thuận Trị xem lại các tấu triệp vào ban đêm, nàng luôn ở đó mở giấy bút, nghiên mực, phục vụ thang trà.
Điều đáng quý hơn là Đổng Ngạc phi tính tình hiền lành nhân nghĩa, lại yêu thương và quan tâm đến chúng nhân trong hậu cung, nếu các cung nữ và thái giám phạm lỗi, nàng thường xuyên đứng ra thỉnh cầu cho họ. Nàng cũng thường nói với hoàng đế Thuận Trị những gì các phi tần khác đã làm tốt. Đối đãi với hoàng hậu bị hoàng đế Thuận Trị bỏ rơi, nàng tận tâm tận lực phục vụ, mỗi ngày đều đến thỉnh an, xử lý những sự vụ to nhỏ của hậu cung và bàn bạc với hoàng hậu. Dưới sự chăm lo của nàng, hậu cung rất trật tự và luôn hòa khí.
Hơn nữa, Đổng Ngạc phi còn phi thường thông minh, sách đọc qua là không quên. Từ nhỏ nàng không chỉ đọc “Tứ thư”, “Ngũ kinh”, mà cầm kỳ thi họa không gì không biết, viết thư pháp rất đẹp. Ngoài ra, nàng đối với Phật học cũng có ngộ tính rất cao, rất có kiến giải của bản thân. Không khó để nhận ra rằng, vô luận là thảo luận về nhân văn lịch sử, hay là thi từ ca phú, hay chân đế Phật pháp, hoàng đế Thuận Trị và Đổng Ngạc phi đều có chung ngôn ngữ. Đối với Hoàng đế Thuận Trị mà nói, Đổng Ngạc phi chính là tri kỷ của ông trong cung điện cô độc.
Nhưng thật không may, một người bạn tâm giao mỹ hảo như vậy, sau khi đồng hành cùng hoàng đế Thuận Trị được bốn năm, đã qua đời vì bạo bệnh vào tháng 8 năm Thuận Trị thứ 17. Cái chết của nàng đã trở thành bước ngoặt trong cuộc đời hoàng đế Thuận Trị, để lại một bí ẩn chưa có lời giải trong lịch sử.
Sau cái chết của Đổng Ngạc phi, hoàng đế Thuận Trị đau buồn không muốn sống. Ngoài những điều đã đề cập trước đó, ông còn truy phong Đổng Ngạc phi làm hoàng hậu, và viết “Hiếu Hiến hoàng hậu hành trang”, Thuận Trị cũng nghỉ triều 5 ngày để bày tỏ thương tiếc, dùng bút lam phê tấu chương hơn 4 tháng. Bình thường, hoàng đế dùng bút mực đỏ để phê tấu chương, chỉ khi gặp đại tang của hoàng đế, hoàng thái hậu mới chuyển sang dùng bút lam để phê đáp trong 27 ngày, nhưng hoàng hậu qua đời thì không có yêu cầu này. Nhưng hoàng đế Thuận Trị đối với Đổng Ngạc phi đã đối đãi phá cách như vậy, có thể thấy thâm tình của ông đối với nàng.
Có ghi chép lịch sử rằng sau khi Đổng Ngạc phi qua đời, hoàng đế Thuận Trị nhìn thấu phàm trần, có tâm muốn xuất gia tu hành, ông đã nhờ Mao Khê Sâm, một đệ tử của Ngọc Lâm Tú, trụ trì chùa Báo Ân, cạo tóc cho mình. Mao Khê Sâm đã ba lần khuyên can, nhưng hoàng đế Thuận Trị vẫn kiên trì. Cuối cùng, thái hậu Hiếu Trang lệnh cho Ngọc Lâm Tú xuất diện cản trở, theo đó Ngọc Lâm Tú ra lệnh cho người chất một đống củi, nói rằng nếu hoàng đế Thuận Trị kiên trì xuất gia tu hành, thì sẽ thiêu chết đệ tử của mình là Mao Khê Sâm. Hoàng đế Thuận Trị cuối cùng không còn cách nào, chỉ có thể vứt bỏ ý định xuất gia của mình. Các ghi chép lịch sử chính thức nói rằng không lâu sau đó, hoàng đế Thuận Trị qua đời vì bệnh đậu mùa vào tháng đầu tiên của năm Thuận Trị thứ 18. Tuy nhiên, dân gian lại nói rằng hoàng đế Thuận Trị kỳ thực đã đến núi Ngũ Đài xuất gia làm tăng. Thuyết pháp này là vô căn cứ, hay có điều gì ẩn tàng?
Hoàng Thái Cực, cha của hoàng đế Thuận Trị, thập phần trọng thị Phật giáo Tạng truyền, dưới sự huân đào của ông, hoàng đế Thuận Trị từ nhỏ đã rất kính úy Phật giáo. Ông từng nhiều lần hội kiến các cao tăng, cùng họ thảo luận thâm nhập về Phật pháp, thậm chí còn mời họ giảng đạo trong cung.
Vào năm Thuận Trị thứ 16, hoàng đế Thuận Trị đã chiêu mộ Mộc Trần Đạo Mân, trụ trì chùa Thiên Đồng ở Ninh Ba, vào cung điện. Hoàng đế Thuận Trị tôn xưng ông là “lão hòa thượng”, hai người học Phật luận thiền, bàn luận thi từ thư họa cùng nhau trong 8 tháng. Trước khi Mộc Trần Đạo Mân rời Bắc Kinh, hoàng đế Thuận Trị đã tặng ông hai chữ “Kính Phật” bằng chữ viết tay để thể hiện tâm kiền thành của ông đối với Phật pháp. Ngự thư “Kính Phật” này đã được lưu giữ tại Tây Uyển Vạn Thiện điện, chùa Pháp Hải núi Vạn An ở phía tây Bắc Kinh, và chùa Thiên Đồng ở Ninh Ba.
Hoàng đế Thuận Trị cũng yêu cầu Ngọc Lâm Tú, trụ trì chùa Báo Ân, đặt cho mình một Pháp danh, cuối cùng, hoàng đế Thuận Trị đã chọn chữ “Si 痴”, phối thêm chữ “Hành 行”, lấy pháp danh là “Hành Si”, hiệu “Si Đạo Nhi”.
Sử sách ghi chép, hoàng đế Thuận Trị đã đến cư xá của các cao tăng 38 lần trong hai tháng để thảo luận về kinh Phật, ông đã nhiều lần có ý định xuất gia. Cái chết của Đổng Ngạc phi có lẽ đã khiến Thuận Trị thể hội rõ hơn về thế sự vô thường, càng củng cố thêm chí hướng tu Phật của ông.
Theo các học giả đương đại khảo chứng, trong “Sắc trụ thiện quả Lữ Am Nguyệt hòa thượng tấu đối lục” ghi lại rằng vào ngày 27 tháng 12, năm Thuận Trị thứ 17, hoàng đế Thuận Trị đã phát nguyện với hòa thượng Lữ Am rằng ông muốn chính thức xuất gia càng sớm càng tốt, khi đó, Lữ Am thuyết phục ông “hiện đế vương thân, hành Bồ Tát quả”, ý tứ là vừa làm đế vương, vừa tu hành Bồ Tát, nhưng Thuận Trị trả lời rằng ông e rằng mình không thể làm được đến điểm này.
Sách cũng ghi lại rằng vào ngày 17 tháng 4 năm Thuận Trị thứ 18, khi quan tài của hoàng đế Thuận Trị được hỏa táng, hòa thượng Lữ Am đã đọc hai câu thơ, ám thị rằng thứ bị hỏa táng chẳng qua chỉ là một chiếc quan tài trống rỗng, hoàng đế Thuận Trị vì giác ngộ triệt để mà đã quyết định từ bỏ hoàng vị để xuất gia. Khảo chứng này dường như đã tăng thêm sức nặng lịch sử cho khả năng hoàng đế Thuận Trị đã xuất gia.
Về lý do tại sao Thuận Trị Đế sau khi qua đời lại dùng phương thức hỏa táng, có thuyết pháp nói rằng ông sùng thượng Phật giáo, tin vào việc linh hồn thăng thiên, đã nhiều lần bày tỏ yêu cầu được hỏa táng sau khi chết, mọi người không ai dám không tuân thủ. Nhưng mặt khác, nếu Thuận Trị thực sự đã xuất gia, thì hỏa táng có thể là một biện pháp tốt để che giấu sự thật.
Chính vì những ghi chép và lời đồn đại như vậy mà người ta luôn cho rằng Hiếu Lăng của nhà Thanh chẳng qua chỉ là đài tưởng niệm của hoàng đế Thuận Trị, bên trong không có vàng ngọc châu báu, vì vậy những kẻ trộm mộ đời trước căn bản đều bỏ qua Hiếu Lăng nhà Thanh. Hiếu Lăng trở thành lăng mộ hoàng đế duy nhất của Thanh triều không bị trộm mộ.
Kỳ thực, việc hoàng đế Thuận Trị xuất gia đi tu có thể tìm thấy một số manh mối trong bài thơ “Tán tăng thi” do chính ông viết, như sau:
Ngã bổn Tây phương nhất nạp tử,Vi hà sinh tại đế vương gia?Thập bát niên lai bất tự do,Nam chinh Bắc phạt kỉ thời hưu?Ngã kim tản thủ Tây phương khứ,Bất quản thiên thu dữ vạn thu.
Ta nguyên là nạp tử Tây phương,Vì sao sinh hạ nhà đế vương?Mười tám năm rồi bao bó buộc,Nam chinh Bắc phạt lúc nào dừng?Ta giờ buông tay về Tây phương,Chẳng quản ngàn thu với vạn thu.
Từ câu cuối cùng mà xét, rất có khả năng hoàng đế Thuận Trị đã đi hướng Tây cầu Phật. “Hoàng Bách thiền sư thi”, một trong bảy cuốn sách tiên tri cổ của Trung Quốc, cũng ám thị điểm này, chúng tôi đã giới thiệu trong tập giải đọc cuốn “Hoàng Bách thiền sư thi” trong tập trước, các bạn quan tâm có thể vào đọc.
Ngoài ra, một câu chuyện như vậy cũng được ghi lại trong “Thanh Bại Loại Sao”, dường như cũng ứng chứng Phật duyên và kết cục của hoàng đế Thuận Trị.
Thời Minh mạt có một vị lão tăng sống ẩn cư ở Kết Mao am trên đỉnh cao phong, núi Nga Mi. Lão tăng quanh năm không xuống núi, không ăn, không uống, chỉ nhắm mắt đả tọa. Có một vị hòa thượng trẻ đi theo ông, thỉnh thoảng xuống núi mua gạo về tự nấu ăn. Vị lão tăng đã đả tọa thiền định như vậy hơn mười năm, và vị hòa thượng trẻ cũng đã ở bên ông ấy hơn mười năm.
Một ngày nọ, vị lão tăng đột nhiên mở mắt và nói với đệ tử: “Ta đi đây, con hãy ở lại đây, đừng xuống núi”. Vị hòa thượng trẻ nghe vậy liền túm lấy y phục của lão tăng và khóc lớn, không muốn sư phụ rời đi. Vị lão tăng an ủi hòa thượng trẻ và nói: “Đừng bi thương, sư đệ chúng ta sẽ có một ngày diện kiến”. Rồi lão lấy từ trong tay áo ra một cuộn giấy có vẽ hình lão tăng. Bức chân dung có mắt, tai, miệng và mũi, nhưng không có lông mày. Lão tăng yêu cầu vị hòa thượng trẻ cẩn thận cất giữ bức chân dung của sư phụ đi và nói: “Sau khi ta rời đi, sau mười hai năm, con có thể xuống núi tìm ta, khi nào nhìn thấy ai đó, hãy lấy bức tranh ra và cho ông ấy xem. Nếu có người giúp con vẽ lông mày cho bức chân dung, thì đó chính là ta”. Dặn dò xong, lão tăng tọa hóa mà đi.
Chẳng bao lâu, phản quân Chương Hiến Trung Lưu Soán tiến vào Tứ Xuyên, khiến người dân Tứ Xuyên máu chảy thành sông. Tiểu hòa thượng tuân theo lời sư phụ dặn, không xuống núi nên tính mạng được bảo toàn. Khi kỳ hạn mười hai năm kết thúc, người học trò mới xuống núi, lúc này, quân Thanh đã tiến vào Trung Quốc, và Phúc Lâm, con trai thứ chín của Hoàng Thái Cực, được kế vị, tự xưng là Đại Thanh Thế Tổ Chương Hoàng Đế, niên hiệu Thuận Trị.
Tiểu hòa thượng đã vân du hơn mười năm, tìm kiếm sư phụ của mình khắp thiên hạ nhưng mãi không tìm thấy. Sau đó, vị hòa thượng trẻ đến Bắc Kinh để xin ăn, vừa đúng lúc hoàng đế Thuận Trị đi săn ở ngoại ô. Tiểu hòa thượng không biết đây là đội ngũ hoàng gia, chỉ ghi nhớ lời di chúc của sư phụ, tiến đến trước ngự giá, thỉnh cầu hoàng đế Thuận Trị xem tranh. Thị vệ kinh ngạc, muốn bắt tiểu hòa thượng, nhưng Thuận Trị đã ngăn lại, yêu cầu tiểu hòa thượng mở bức tranh cho xem. Tiểu hòa thượng mở bức tranh ra, hoàng đế Thuận Trị vừa nhìn, liền kinh ngạc nói: “Bức chân dung này tại sao không có lông mày?” Nói rồi, ông ra lệnh tả hữu mang mực và bút vẽ đến, rồi đích thân bổ sung thêm đôi lông mày cho bức chân dung.
Tiểu hòa thượng đã òa khóc, quỳ xuống đất và hét to: “Sư phụ, con đã tìm thấy ngài rồi!…”. Chúng nhân nhìn nhau, hoàng đế Thuận Trị cũng kinh ngạc không thôi. Thế rồi tiểu hòa thượng kể lại chi tiết từng lời chỉ dẫn của lão tăng. Hoàng đế Thuận Trị đột nhiên đại ngộ: Nguyên lai kiếp trước ta là một lão hòa thượng đến từ núi Nga Mi! Chẳng trách ta luôn có niệm đầu muốn xuất gia. Phật duyên đời này phải được tiếp nối.
Theo Epoch TimesHương Thảo biên dịch